Kết quả Chiến_tranh_Đông_Dương

Đại đoàn 308 tiến qua Quảng trường Đông Kinh nghĩa thục về tiếp quản thủ đô năm 1954

Trong cuộc xâm lược của thực dân Pháp này, thương vong của Pháp là 140.992, trong đó có 75.867 chết và mất tích, 65.125 bị thương. Quân đồng minh bản xứ của Pháp ở Đông Dương (Quốc gia Việt Nam) có 419.000 chết, bị thương, tan rã hoặc bị bắt[11]. Về vũ khí, Pháp mất 435 máy bay, 603 tàu chiến và ca nô, 9.283 xe quân sự, 255 pháo, 504 xe tăng - thiết giáp và 130 nghìn súng các loại. Số thương vong của Việt Minh là 191.605 người chết[353] Khoảng 125.000–400.000 dân thường thiệt mạng.[15][16][17]

Cuộc chiến đã góp phần làm nước Pháp suy sụp và phân hóa. Càng về cuối cuộc chiến, sự phản đối chiến tranh trong lòng nước Pháp ngày càng dữ dội hơn. Đại tướng Pháp Henry Navare viết:

Các đảng viên Cộng sản (Pháp) ngay từ lúc này đã tích cực bênh vực Việt Minh. Cuộc chiến tranh xâm lược của Pháp, đối với họ là một "cuộc chiến tranh bẩn thỉu". Còn đối với những người khác, đây là một "cuộc chiến tranh nhục nhã", "cuộc chiến tranh không dám xưng tên"
— Henry Navare[354]
Quân đội Nhân dân Việt Nam về tiếp quản thủ đô ngày 9 tháng 10 năm 1954

Chi phí cho cuộc xâm lược của Pháp tăng hàng năm theo cấp số nhân. Năm 1945: 3 tỷ Franc; năm 1946: 27 tỷ Franc; năm 1947: 53 tỷ Franc; năm 1948: 89 tỷ Franc; năm 1949: 130 tỷ Franc; năm 1950: 201 tỷ Franc; năm 1951: 308 tỷ Franc; năm 1952: 535 tỷ Franc. Tổng cộng trong toàn bộ cuộc chiến, nước Pháp đã chi phí 3.370 tỷ Franc (vượt dự kiến 2.385 tỷ Franc), tương đương gần 60 tỷ USD theo thời giá 2008, (trung bình là 1 tỉ Franc/ngày), bằng 28% giá trị GDP của Pháp năm 1953.[355] (từ năm 1950 trở đi, ngân sách Pháp đã không thể gánh được chiến phí và phải dựa phần lớn vào viện trợ của Mỹ). Chính phủ Pháp thay đổi 20 lần, trung bình mỗi chính phủ chỉ tồn tại 7 tháng (có chính phủ chỉ tồn tại trong 7 ngày). 7 lần cao uỷ Pháp bị triệu hồi, 8 tổng chỉ huy quân đội Pháp kế tiếp nhau bị thua trận. Đất nước Việt Nam, Lào, Campuchia cũng bị tàn phá bởi chiến tranh.

Theo kết quả của hiệp định Geneva, Việt Nam được chia làm 2 nửa với giới tuyến tạm thời là vỹ tuyến 17. Quân đội Nhân dân Việt Nam, lực lượng vừa giành được thắng lợi quan trọng trên chiến trường, rút khỏi các chiến trường tại Đông Dương để tập kết về miền Bắc Việt Nam. Quân đội của Liên Hiệp PhápQuốc gia Việt Nam tập kết về miền Nam. Quân đội pháp cũng rút khỏi Lào và Campuchia. Trên 1 triệu người dân từ miền Bắc đã di cư vào Nam (trong đó có khoảng 800.000 người Công giáo, chiếm khoảng 2/3 số người Công giáo ở miền Bắc), và 140.000 người (đa số là cán bộ kháng chiến của Việt Minh) từ miền Nam tập kết ra Bắc.[356]

Ngày 10 tháng 10 năm 1954, quân Pháp chính thức rút khỏi Hà Nội, Quân đội Nhân dân Việt Nam vào tiếp quản thủ đô. Thời kỳ hòa bình tại miền Bắc Việt Nam bắt đầu. Ở miền Nam, quân đội Pháp dần dần rút đi và trao quyền lực cho chính quyền Quốc gia Việt Nam, trong khi Hoa Kỳ tăng cường các hoạt động tình báo, tuyên truyền, viện trợ và cố vấn cho Quốc gia Việt Nam để chính phủ này có thể đương đầu với Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và tiêu diệt lực lượng Việt Minh còn lại ở miền Nam.

Người di cư vào Nam theo chương trình Passage to Freedom (Con đường đến Tự Do) do Cục tình báo Mỹ (CIA) tổ chức (8.1954)

Hội nghị tuyên bố chấm dứt chiến tranh ở Lào và Campuchia, bảo đảm độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của hai nước này, và hai nước sẽ tổ chức tổng tuyển cử tự do theo các nguyên tắc Hiến pháp mỗi nước, bảo đảm tôn trọng các quyền tự do cơ bản. Hai nước sẽ không tham gia vào bất kỳ một liên minh quân sự nào[357]. Ngày 23 và 24 tháng 7 năm 1954 Bộ trưởng Quốc phòng Chính phủ Kháng chiến Pathet Lào Kaysone Phomvihane và Tư lệnh Bộ đội tình nguyện Việt Nam ở Pathet Lào Tạ Xuân Thu, Tổng tư lệnh giải phóng quân Khmer Issarak Sieu Heng, đại diện Bộ Tư lệnh Bộ đội tình nguyện Việt Nam tại Khmer Nguyễn Thanh Sơn ra lệnh ngừng bắn từ 6 và 7 tháng 8 để thi hành Hiệp định.[358] Năm 1955 Vương quốc Lào, Vương quốc Campuchia chính thức trở thành thành viên Liên hợp quốc, tuyên bố chính sách đối ngoại hòa bình trung lập.[359][360]

Hiệp định Geneva quy định lấy vĩ tuyến 17 làm ranh giới quân sự tạm thời (bao gồm cả trên đất liền và trên biển). Quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa nằm ở phía Nam vĩ tuyến 17, được giao cho chính quyền Liên Hiệp Pháp quản lý. Năm 1956, sau khi Pháp hoàn tất rút quân khỏi Việt Nam, Quốc gia Việt Nam (do Bảo Đại đứng đầu) đứng ra tiếp quản. Tranh chấp tại 2 quần đảo này nhanh chóng xảy ra với Trung Quốc, Đài Loan, MalaysiaPhillipines.

Sau 2 năm, hiệp định Geneva đã không đem lại được hòa bình cho Đông Dương. Tổng tuyển cử thống nhất Việt Nam không được chính quyền Quốc gia Việt Nam thực hiện (với lý do "nghi ngờ về việc có thể bảo đảm những điều kiện của cuộc bầu cử tự do ở miền Bắc"[361]). Việt Nam bị chia cắt thêm 20 năm nữa, chiến tranh tiếp tục nổ ra trên toàn Đông Dương. Lần này người Mỹ thay thế cho người Pháp. Cuộc chiến mới kéo dài hơn, có quy mô và sức tàn phá lớn hơn nhiều với tổn thất cũng nặng nề hơn.

Trong thư của tổng thống Pháp Charles de Gaulle gửi chủ tịch Hồ Chí Minh ngày 8 tháng 2 năm 1966, ông viết: "Giá có một sự hiểu biết tốt hơn giữa người Việt Nam và người Pháp ngay sau đại chiến thế giới thì đã có thể tránh được những sự biến tai ác đang giằng xé đất nước ngài hôm nay"[362].

Sách giáo khoa lịch sử của Đệ nhị Việt Nam Cộng hòa (Quốc sử lớp nhất - Phạm Văn Trọng & Phạm Thị Ngọc Dung) xuất bản năm 1966 có viết về cuộc chiến này, tuy nhiên do Việt Nam Cộng hòa coi Việt Minh là kẻ thù nên không nhắc tới sự lãnh đạo kháng chiến của Việt Minh mà chỉ nói chung chung là "kháng chiến của toàn dân", cũng không nhắc đến sự hợp tác với Pháp của Quốc gia Việt Nam (tiền thân của Việt Nam Cộng hòa) mà chỉ nói chung chung là "Pháp mời vua Bảo Đại thành lập chính quyền để lôi kéo chiến sĩ quốc gia":[363]

Cuối năm 1946, chiến tranh Việt-Pháp bùng nổ. Pháp mời vua Bảo Đại thành lập chính quyền để lôi kéo chiến sĩ quốc gia nhưng vô hiệu quả. Cuộc kháng chiến của toàn dân ngày càng mãnh liệt và sau cùng đại thắng ở Điện Biên Phủ. Việt Minh và Pháp ký hiệp định Genève (20-7-54) chia hai Việt Nam.

Ngô Đình Diệm nắm quyền ở miền Nam đặt ra chế độ độc tài tàn bạo.

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Chiến_tranh_Đông_Dương http://123.30.190.43:8080/tiengviet/tulieuvankien/... http://vietnamese.cri.cn/761/2010/05/05/1s140155_1... http://www.bbc.com/vietnamese/forum/2014/09/140902... http://www.britannica.com/EBchecked/topic/208194 http://www.buttondepress.com/secretstuff/ttu2006/r... http://www.daivietquocdandang.com/lichsudang.htm http://www.globusz.com/ebooks/LuisSilva/00000013.h... http://HistoryNet.com http://lmvn.com/truyen/index.php?func=viewpost&id=... http://www.lonelyplanet.com/vietnam/history#72289